Những mẫu thiết kế của Trần Thị Thu bị nghi “đạo” một số chi tiết của bộ sưu tập Dior Spring 2008 Couture của nhà thiết kế thời trang danh tiếng, John Galliano.
Chiều qua, trao đổi với chúng tôi, “Nhà thiết kế tương lai” Trần Thị Thu phủ nhận thông tin trên và cho rằng đó chỉ là sự… trùng hợp ý tưởng một cách ngẫu nhiên.
“Đạo”, “xào” hay… trùng hợp ý tưởng?
Đầu năm nay, hãng thời trang danh tiếng Christian Dior gây "sốc" với các mẫu thiết kế phá cách, rực rỡ sắc màu, nhưng không kém phần sang trọng. John Galliano, nhà phù thủy làng thời trang thế giới, là tác giả của những trang phục này. Anh ưa thích sử dụng những tông màu nổi bật như hồng tươi, hồng sen, xanh da trời, xanh ngọc, xanh lá, đỏ cam, vàng, tím... với cách kết hợp đầy tính đối chọi, các họa tiết trang trí, phụ kiện đi kèm như mũ, giày cao... Chất liệu satin cao cấp, những nếp nhún bồng bềnh với các đôi giày "thửa riêng" là điểm nhấn đặc biệt cho bộ sưu tập Dior Spring 2008 Couture của John Galliano.
Trần Thị Thu, chủ nhân bộ sưu tập bị nghi “đạo” cho biết, trước khi đến với cuộc thi, cô tham khảo hình khối của các mẫu trong và ngoài nước, theo đó, bộ sưu tập trùng khớp về quy định hình khối là chuyện thường, vẫn xảy ra trong lĩnh vực thiết kế thời trang. “Nhưng phần thiết kế chính với đường nét và hoa văn thì hoàn toàn không giống với bộ sưu tập của Dior”, cô khẳng định. Về đôi giày bị coi là giống 100%, Thu bảo đó là sự trùng lặp ý tưởng cá nhân, là sáng tạo của riêng cô chứ hoàn toàn không có chuyện “đạo” như điều mọi người đang nghi ngờ.
|
Đôi giày được coi là sáng tạo gây sốc của Christian Dior cũng tương đồng với Trần Thị Thu đến từng chi tiết. |
Sự cố nhạy cảm
Lương Thị Minh Hoa, người đoạt giải thưởng Lớn - Grand Prix 2008 khẳng định, để lọt vào chung kết, các thí sinh phải trải qua các vòng kiểm duyệt gắt gao. Ngay từ sơ khảo, các mẫu thiết kế đã được Hội đồng giám khảo chọn lựa kỹ lưỡng, thậm chí các thành viên chấm giải còn tổ chức một buổi kiểm tra tài năng thật, bằng cách yêu cầu thí sinh vẽ lại mẫu thiết kế đã gửi dự thi qua trí nhớ. “Sự kiểm tra này để khẳng định bộ sưu tập của chính thí sinh thực hiện chứ không phải vay mượn ý tưởng”, Minh Hoa nói.
Theo lời của người chiến thắng giải thưởng Lớn, nếu thực sự có nét hao hao giữa hai bộ sưu tập của Trần Thị Thu và John Galliano, thì đó là chuyện hậu cuộc thi hoặc có lầm lẫn, chứ hoàn toàn không thể xảy ra chuyện Ban giám khảo “nhắm mắt cho qua” hay ưu ái cho riêng ai. “Tôi khẳng định, Ban giám khảo chấm rất công tâm. Bởi để có mặt trong đêm chung kết, chúng tôi phải trải qua nhiều phần thi, trong đó có cả phần diễn thuyết đề tài trước nhiều vị giám khảo danh tiếng”.
|
Ý tưởng kết đá trên satin của John Galliano trùng hợp
với Trần Thị Thu. |
Khi hỏi các thành viên “cầm cân nảy mực” nghĩ sao trước bộ sưu tập giúp Trần Thị Thu đoạt giải Nhà thiết kế tương lai lại bị nghi “đạo ý tưởng”, nhà thiết kế Trương Anh Vũ, người trực tiếp chấm vòng sơ khảo lên tiếng: “Tôi không có ý kiến gì về vấn đề ăn cắp ý tưởng”. Theo Anh Vũ, bởi cuộc thi đã kết thúc, có nhận xét hay nói điều gì đó đều không còn giá trị, vì vậy, cách lựa chọn của anh là… im lặng. Tương tự, Trưởng ban giám khảo, nhà thiết kế Minh Hạnh từ chối trả lời phóng viên về sự cố nhạy cảm này.
Chia sẻ với Trần Thị Thu, Giám đốc Công ty Thời trang P.L - Trần Thanh Long cho rằng, không nên quá khắt khe với việc đạo ý tưởng. Bởi theo anh, dù có trùng nhau về ý tưởng, nhưng chất liệu, đường may, cách phối màu không thể giống nhau. “Nhưng người đạo ý tưởng nên xem lại mình. Lấy ý tưởng của người khác mà không vượt qua cấp độ của họ thì… quá kém”, anh Long nói.
|
Trần Thị Thu (áo hồng) cùng các mẫu đoạt giải "Nhà thiết kế tương lai". |
Chưa có chế tài xử lý đạo ý tưởng
Đề cập đến các vụ việc đạo ý tưởng, TS. Mỹ học Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, sẽ nguy hiểm nếu cái đẹp trở thành “phi chuẩn”. Theo bà Thái, bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, hư cấu, và chỉ những người không thể tư duy mới vay mượn, lấy cắp tác phẩm của người khác, biến nó thành tác phẩm của mình. “Đừng nghĩ người khác không biết mình đạo tác phẩm. Hãy tự trách mình trước”, bà Thái nói và cho rằng, cần xử lý hành động đạo ý tưởng bằng các chế tài xử phạt cụ thể, dù rằng tại Việt Nam, những sai phạm này không nằm trong khung luật pháp mà chỉ dựa vào lương tâm mỗi người. “Đừng để cái phi chuẩn biến thành xu hướng, lúc đó giá trị của cái đẹp sẽ xuống số âm. Cứ theo Luật Bản quyền mà xử”, bà Thái khẳng định.
Theo ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền, ở Việt Nam, việc “đạo”, “xào” tác phẩm nghệ thuật thế giới là chuyện “thường ngày ở huyện”. Tuy nhiên, bảo vệ bản quyền cho đứa con tinh thần thuộc về ý thức của chính chủ nhân, tự cứu lấy mình trước khi viện đến sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng.