NTK Minh Hạnh nói về thực tế đáng buồn trong ngành thời trang VN hiện nay: “Hàng năm, có khoảng 2.000 nhà thiết kế ra lò, nhưng rất nhiều người không làm được việc. Điều đó thể hiện rõ sự đào tạo của chúng ta thiếu căn bản..."
Thị trường tràn ngập hàng made in China
Các nhà thiết kế thời trang cũng như ngành dệt may Việt chưa đáp ứng được nhu cầu về nhiều loại sản phẩm khác nhau của người tiêu dùng, từ cao cấp tới bình dân. Đây chính là một trong những yếu tố khiến cho thị trường thời trang Việt Nam từ rất lâu luôn bị chiếm lĩnh bởi hàng phi mậu dịch, nhất là những mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Các nhà thiết kế (NTK) thời trang trong nước thiếu kiến thức về lĩnh vực của mình, không chịu cập nhật thông tin, quan sát nắm bắt thị hiếu khách hàng, thậm chí, nhiều người còn chưa thực sự hiểu thế nào là một nhà thiết kế.
|
Những bộ trang phục được thiết kế theo khuynh hướng thời trang quốc tế tại cuộc thi dành cho các nhà thiết kế trẻ Việt Nam 2008 - VietNam Collection Grand Prix 2008. |
Tỷ lệ nhà thiết kế làm được việc là 20/2000
“Hằng năm, chúng ta cho ra lò khoảng 2.000 nhà thiết kế trong cả nước, nhưng có bao nhiêu người làm được việc? Nếu tính kỹ thì chỉ có khoảng 20 nhà thiết kế thực sự, số còn lại, không ít người may cái áo cũng không được..." - "Hiệp sĩ nghệ thuật và văn chương" - NTK Minh Hạnh khẳng định.
"Bên cạnh đó, còn một thực tế khác nữa vẫn tồn tại trong các trường có đào tạo về thời trang, đó là, học trò năm trước ra trường, năm sau trở thành thầy cô giáo. Những "thầy cô" này sẽ dạy được gì khi họ thiếu kiến thức thực tế một cách trầm trọng? Điều này cực kỳ nguy hiểm.
Hiện tại, chúng ta đang đào tạo ra các NTK thời trang chỉ biết vẽ đẹp, và cấp cho họ một mảnh bằng tốt nghiệp, còn lại họ không hiểu chất liệu là gì, kiểu dáng ra sao. Thậm chí, một số "thầy cô giáo" khi đến Fadin tập huấn mà những thuật ngữ đơn giản trong thời trang cũng không biết.
Họ thiếu kiến thức cơ bản một cách trầm trọng trong khi thời trang là một nghề cần cập nhật thông tin liên tục và phải có đầu óc quan sát, tổng hợp” - NTK hàng đầu, PGĐ Viện Mẫu Thời trang Việt Nam tâm sự.
|
Nếu chịu đầu tư nghiên cứu và quan sát, các nhà thiết kế trẻ Việt Nam vẫn tạo nên đuợc những bộ trang phục theo khuynh hướng mới nhất của thế giới, đòi hỏi kỹ thuật cao. |
Chính bởi thế mà ngành thời trang không thể đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng Việt Nam, trong khi thực tế là người Việt từ lâu đã giàu lên và mặc đẹp hơn. Không nói tới các ngôi sao, chính khách (thường xuyên phải ra nước ngoài sắm trang phục) mà ngay cả người dân bình thường, muốn tìm được áo quần ưng ý, hợp với điều kiện, vóc dáng cũng khá khó khăn.
Năm vừa qua, Viện Mẫu Thời trang VN và Tập đoàn dệt may VN đã phối hợp mở những chương trình đào tạo ngắn hạn cho các nhà thiết kế trẻ với sự giảng dạy của các giảng viên tài năng, có kinh nghiệm trong lĩnh vực thời trang trong nước và quốc tế. Những lớp học này không chỉ trang bị kiến thức cơ bản mà còn mang tới cảm nhận về khuynh hướng, sự chuyển động của thời trang thế giới cho các học viên.