Họ chống tay trên chiếc bàn, nâng niu một lọ gốm, đứng cạnh một cái tủ, ngồi trên một chiếc salông, nâng con cá bên chiếc thớt, khoác tạp dề bên cạnh những gói mỳ tôm v.v. và v.v... Người phụ nữ trong cá
Những bộ mặt vô hồn
Cách đây mấy năm làm phim "Vua bãi rác", khi quay cảnh những đứa trẻ lang thang nhặt rác ước mơ được đổi đời, các nghệ sĩ đã cho các em mặc những bộ áo quần quảng cáo với những logo hoành tráng của các hãng bột giặt, mỳ chính như che lấp cả con người chúng và cho chúng cầm những chiếc chổi màu rực rỡ nhảy nhót những vũ điệu hiện đại bên bờ sông lộng gió, dưới những tàu lá chuối tíu tít vui trong tiếng nhạc tràn căng.
Nhìn những đứa trẻ bụi đời đường phố, thiếu hơi ấm gia đình, cố vượt lên thân phận của mình để hòa nhập vào niềm vui thời đại, hầu như chẳng ai để ý nhiều đến những chiếc áo quảng cáo chắp vá chúng khoác trên người, mà nhìn thấy rõ hơn niềm vui của chúng, thân phận của chúng và khát vọng thơ ngây của chúng.
Những logo kia, những thương hiệu lừng danh kia trở thành những tín hiệu của tâm hồn bọn trẻ, đánh thức tình thương nhân bản của người xem. Khán giả có thể thấy cái cảm hứng đổi mới và hội nhập tràn qua mọi số phận dù đó là những kiếp người dưới đáy bơ vơ quần tụ kiếm sống nơi bãi rác.
Thế nhưng, đứng từ góc độ quảng cáo, những đứa trẻ trong cảnh phim trên không thể là người mẫu, dù chúng có khoác trên mình bao nhiêu kiểu áo lạ và diễu qua mắt hàng triệu con người. Vì chúng vi phạm một nguyên tắc thời thượng của người mẫu trên sàn diễn là phải... vô hồn.
Không được mỉm cười dù chỉ bằng ánh mắt, không được thể hiện những cảm xúc, dù chỉ là những rung động thoáng qua - tất cả những kỹ nghệ vô hồn đã được các người mẫu rèn luyện kỹ để trở thành chiếc giá áo di động khi bước đi trên bục trình diễn thời trang.
Nghĩa là con người phải khuất đi, biến đi, để tôn vinh quần áo, giày dép và mũ mão. Người mẫu nào càng làm cho thời trang tỏa sáng, trở thành chiếc ngai vàng đưa thời trang lên ngôi, thì càng được coi là người mẫu có đẳng cấp và thương hiệu.
Nhưng các cô gái chân dài kia có công cụ gì để phát huy bản lĩnh nghề nghiệp khi đã bị tước đi công cụ quan trọng nhất tạo nên sự hấp dẫn của người phụ nữ là tâm hồn, cảm xúc và cá tính với những biểu hiện thiên hình vạn trạng vừa mãnh liệt vừa tinh tế trong cử chỉ, lời nói và ánh mắt đã từng làm cho những đấng nam nhi như Napoléon khuấy châu Âu như khuấy chảo cám phải quỳ gối cầu xin tình yêu?
Với khuôn mặt lạnh như tiền và những bước đi, những tư thế giống nhau, cái gì phân biệt các cô với nhau để người này trở thành người mẫu solo ở đẳng cấp cao, còn những người kia chỉ là thứ diễn viên quần chúng thêm thắt như dấm ớt?
Chẳng lẽ đó là vẻ đẹp thuần xác thịt của gương mặt vô hồn và các số đo vòng ngực, vòng eo huỵch toẹt? Chẳng lẽ đó là kỹ nghệ bước đi không trượt chân khỏi dép và kỹ nghệ quay người chính xác đến từng milimét?
Hay là thực chất tài năng của các cô nằm trọn trong kỹ nghệ ăn gian tâm hồn, lén đưa những cảm xúc tinh tế vào trong từng bước chân, từng ngón tay rón rén, từng tà áo phất phơ như thể vô tình nhưng quyến rũ người xem?
Quả thật, xem người mẫu trình diễn trên sân khấu thời trang, ta còn thấy tâm hồn các cô ẩn hiện đâu đó qua làn gió, qua chuyển động nhẹ nhàng, qua ánh sáng âm thanh và qua sức căng của tâm hồn thể hiện trên vẻ mặt cố làm ra vô cảm.
Chứ còn xem ảnh các cô mặt lạnh như tiền đứng bên sản phẩm in bạt ngàn trên các tạp chí xanh đỏ thời nay người xem nhạy cảm khó tránh khỏi một cảm giác ghê sợ giống như khi đứng trước những súc thịt loè loẹt hay khi bắt tay ai nắm phải một bàn tay bằng nhựa lạnh lẽo, cứng đơ.
Các cụ ta nói "người đẹp vì lụa", nghĩa là quần áo và trang sức chỉ là phương tiện tôn vinh vẻ đẹp của con người. Nhưng trong những bức ảnh người đẹp quảng cáo cho sản phẩm, ta thấy câu thành ngữ trên đã bị đảo ngược - người không đẹp vì lụa nữa, mà lụa đẹp vì người.
Người phụ nữ tham gia quảng cáo cho sản phẩm tiêu dùng với vẻ mặt vô cảm nhằm mục đích làm nền cho các hàng hóa nổi trội là biểu tượng của một cuộc sống thực dụng, vô hồn. Tất nhiên, cái vẻ mặt làm ra vẻ vô hồn kia có thể đây đó vẫn toát ra những năng lượng tâm linh vô hình lôi kéo người xem chú ý vào khía cạnh tâm hồn và số phận của những chiếc giá áo di động. Thế thì bắt các cô lạnh lùng, vô cảm như ma-nơ-canh liệu có ích gì không?
Người đẹp và xích xiềng quảng cáo
Quảng cáo ra đời tại Hoa Kỳ trong bối cảnh sự xuất hiện của công nghệ sản xuất ôtô bằng dây chuyền lắp ráp đã cho phép Hãng Ford tăng năng xuất mạnh mẽ chưa từng thấy và hãng này đã nghĩ ra ý tưởng kích thích nhu cầu mua hàng của xã hội để giữ tốc độ sản xuất đã có và tiêu thụ hết sản phẩm dư thừa.
Từ đó, nhà tư bản thành "nhà chỉ huy linh hồn" của quần chúng thông qua quảng cáo, theo cách nói của Stuart Ewen. Và người đàn bà đẹp trở thành phương tiện quan trọng bậc nhất để nhốt người tiêu thụ vào các sản phẩm mà họ sẽ phải mua. Người đàn bà đẹp đứng bên những chiếc lọ, những gian bếp, những chiếc xe giống như những nàng công chúa bị nhốt trong lâu đài chờ các Hoàng tử ra tay giải cứu.
Và trên đời này ai chẳng có máu hiệp sĩ khi mang ví bước chân vào siêu thị? Thế là, những người đẹp của chúng ta lôi chúng ta vào chung sống trong lâu đài mà họ đang bị nhốt góp phần làm cho chiếc ví của các ông chủ căng thêm.
Trong thời buổi kinh tế thị trường, uy lực của đồng tiền đã biến người phụ nữ trở thành những công cụ giải trí cho cánh mày râu: làm công nhân tình dục, làm tiếp viên, bồ bịch, vợ bao cho các đại gia, phơi thịt da nằm trên bàn tiệc làm mâm bày thức ăn cho các quý ông hay trần truồng cầm micro phỏng vấn các chính trị gia đạo mạo về những vấn đề hệ trọng như trong một chương trình truyền hình ăn khách ở Nga.
Đồng tiền còn biến họ thành con mồi của truyền thông quảng cáo, ở đó nhiều khi họ không còn là một người phụ nữ đích thực với tất cả những vẻ đẹp quyến rũ của tâm hồn tình cảm và trí tuệ, mà phải làm con mồi da thịt để nhử hàng triệu cặp mắt trên thế gian nhìn vào hàng hóa và sản phẩm.
Họ chống tay trên chiếc bàn, nâng niu một lọ gốm, đứng cạnh một cái tủ, ngồi trên một chiếc salông, nâng con cá bên chiếc thớt, khoác tạp dề bên cạnh những gói mỳ tôm v.v. và v.v... Người phụ nữ trong các chương trình quảng cáo trên truyền hình trên khắp thế giới đều chỉ đóng vai trò con mồi khêu gợi hoặc vai trò người nội trợ thuần túy.
Những người đẹp ngàn đời nay từng được nhân loại tôn vinh như những bà mẹ của anh hùng và thi sĩ, những câu thơ hay nhất, những bức tranh đẹp nhất được sáng tác ra để làm ngai vàng tôn vinh người phụ nữ tôn vinh sắc đẹp, tâm hồn, bản lĩnh và trí tuệ của họ.
Vậy mà giờ đây vị chúa tể của cái đẹp ấy lại chịu trở thành chiếc ngai vàng lạnh lẽo vô hồn cho những vải vóc, xiêm y, nồi niêu, xoong chảo và bột giặt - những thứ ngày xưa là tôi tớ của mình - ngự trị. Đó chẳng phải là sự giáng cấp truất ngôi người phụ nữ trong thời buổi kinh tế thị trường, vật chất lên ngôi?
Chính vì thế những người trong phong trào bình đẳng nam nữ ở nhiều nước phát triển đã lên án quảng cáo đồng lõa với thể chế xã hội hiện đại, có chiều hướng hạ thấp người phụ nữ để biến họ thành một thứ hào quang giả dối của những sản phẩm thừa.
Nói một cách công bằng thì quảng cáo có công làm tăng sức sản xuất và hạ giá bán sản phẩm, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, quảng cáo cũng góp phần tăng thẩm mỹ cho cuộc sống, tô son điểm phấn cho cả các đồ dùng tầm thường nhất như cái chậu, cái bô.
Quảng cáo đề cao chất vui cười nên hấp dẫn, trẻ con xem đi xem lại không biết chán. Không nên kỳ thị và thủ tiêu quảng cáo. Nhưng hãy giải phóng người phụ nữ khỏi cương vị nô lệ quảng cáo, con mồi quảng cáo, súc thịt vô hồn trong các chương trình trình diễn thời trang và trong các ảnh quảng cáo sản phẩm dễ dãi, thô sơ.
Hãy để người phụ nữ nói cười đi lại, yêu thương, hờn giận một cách sống động và quyến rũ giữa thế giới sản phẩm lộng lẫy như trong các phim truyền hình Hàn Quốc. Trong các phim truyện giàu tính quảng cáo của nước ngoài, người đẹp và sản phẩm không phải là nô lệ của nhau, không phải là ngai vàng của nhau, mà đứng bên nhau, phản chiếu nhau, như gương trong gương.
Mỗi một sản phẩm dù được tô vẽ tụng ca đến mức nào cũng đều chỉ là nơi chất chứa những tâm tư cảm xúc và khát vọng nhân văn của những nhân vật nữ, làm cho họ người hơn, đẹp hơn, thông minh hơn, bản lĩnh hơn và tự do hơn.
Hãy để người đẹp được sống, yêu thương và kiêu hãnh trong thiên đường quảng cáo, đừng bắt họ làm kẻ tàng hình, làm người nội trợ hay làm một thầy tu.