Dường như chưa hài lòng với việc trở thành gương mặt thời trang Việt Nam đầu tiên được giới thiệu trên kênh truyền hình thời trang quốc tế Fashion TV, nhà thiết kế Võ Việt Chung tiếp tục đem đến cho công chúng một bất ngờ mới v
Anh cho biết đây là dự án hưởng ứng lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
“Hội trùng dương”, tên chiếc áo dài do Việt Chung thực hiện, được kỳ vọng sẽ ghi tên vào Sách kỷ lục Việt Nam. Võ Việt Chung cho biết nó sẽ được hoàn thành khoảng tháng 6-2008. Tính đến nay, sau hơn nửa chặng đường “thi công”, chiếc áo đã ngốn hết 1 tỉ đồng tiền túi của anh.
Thống kê về chiếc áo dài kỷ lục:
- Số đo về lượng vải: tổng cộng 1.000m.
- Sử dụng nhiều chất liệu trang trí quí như ngọc trai, kim cương, hồng ngọc, vàng và hơn mười loại đá quí tự nhiên khác.
- Sử dụng nhiều loại chỉ thêu: từ chỉ mạ vàng, chỉ bóng, kim tuyến đến chỉ tổng hợp.
- Công phu: được thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.
- Thời gian thực hiện: một năm rưỡi. |
“Hồi đi Ý tu nghiệp về chuyên ngành thời trang năm 2001-2002, một lần tôi có tham dự buổi giới thiệu chiếc áo kỷ lục, dạng áo dài dạ hội, dài khoảng 100m của một đồng nghiệp châu Âu. Lúc đó tôi đã có ý nghĩ mình sẽ làm một chiếc áo dài Việt Nam tương tự. Nung nấu ý định đó cho đến đầu năm 2007 thì tôi bắt đầu triển khai” - Võ Việt Chung cho biết.
Nhà thiết kế trẻ mô tả, về style, đây là kiểu áo dài truyền thống với điểm nhấn là hình chín rồng bay bổng, uốn lượn kiêu hãnh tượng trưng cho chín nhánh sông miền châu thổ Cửu Long ở Nam bộ. Khi hoàn thành, tính cả thân, tay áo, các tà áo mang chín đuôi rồng sẽ ngốn tổng cộng 1.000m vải, con số đúng bằng số năm kỷ niệm lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Còn về ý nghĩa, đó là một câu chuyện văn hóa Việt Nam mà khi nhìn vào, người ta có thể thấy vóc dáng lịch sử dân tộc từ cổ xưa đến hiện đại.
Người ta sẽ nhìn thấy Thăng Long qua dáng rồng bay, Cửu Long giang qua dáng rồng ẩn trong sông nước, mây trời; và ký ức về miền cố đô qua kiểu họa tiết rồng nhà Nguyễn, triều đại cuối cùng trong lịch sử quân chủ Việt Nam. Chính vì vậy, anh đã đặt tên cho chiếc áo dài kỷ lục này là “Hội trùng dương”, với ý hội tụ những gì đã đi qua trong lịch sử dân tộc. “Tuy nhiên, vì tôi là người miền Nam nên tôi sẽ chọn điểm tựa là văn hóa Nam bộ. Nếu nhìn kỹ vào chiếc áo dài, mọi người sẽ thấy phảng phất trong đó hình bóng hoàng hậu Nam Phương” - Võ Việt Chung nói.
Đây là chiếc áo không giống như mọi chiếc áo dài bình thường khác. Ngoài yếu tố về số đo, “Hội trùng dương” còn hội tụ những yếu tố đặc biệt khác, đầu tiên là chất liệu. “Tôi sử dụng chất liệu ba miền để làm chiếc áo này. Lụa Vạn Phúc và Hà Đông sẽ đại diện cho miền Bắc; miền Trung sẽ góp mặt với lụa Đà Nẵng và Lâm Đồng. Trong khi đó, lụa Tân Châu và lãnh Mỹ A được chọn là chất liệu đặc trưng của miền Nam. Tất cả những chất liệu truyền thống này sẽ “hợp duyên” cùng với chất liệu hiện đại là lụa Phước Thịnh” - anh diễn giải.
Tiếp đó là qui mô công thợ. Hiện có hơn 20 thợ thêu lành nghề đang tham gia dự án. Mỗi người sẽ chuyên trách một bộ phận theo suốt từ đầu đến cuối. Người thì chuyên thêu đầu rồng, người chỉ chuyên thêu mình - vảy rồng, người đảm trách phần thêu sóng nước...
|
Hoa văn trên áo dài “Hội trùng dương”
|
Những phần chính được làm ngay tại studio Võ Việt Chung. Những phần phụ, chi tiết được giao khoán cho các tổ nghệ nhân vệ tinh. Trợ lực cho anh là một nghệ nhân có thâm niên trong nghề chịu trách nhiệm giám sát kỹ thuật, theo dõi tiến độ làm việc của từng người thợ. Sau khi hoàn thành các mảng - khối khác nhau, cuối cùng tự tay Chung sẽ nối ráp tất cả để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Để làm một tác phẩm nặng về kỹ xảo thêu, Võ Việt Chung cho biết anh phải nghiên cứu rất nhiều về ngành thêu, chủ yếu là tổng hợp những tinh hoa của tổ tiên. Trong bảng phối màu “Hội trùng dương”, anh đã sử dụng đúng màu sắc truyền thống thời triều Nguyễn, ví như các màu đỏ - lam - chàm - tía thì dùng đúng màu mộc, chứ không dùng màu pha. Còn về mặt hình họa, anh phỏng theo trường phái hội họa thủy mặc.
Sau khi hoàn thành, việc sử dụng chiếc áo dài kỷ lục này như thế nào cũng là cả một vấn đề. Chung cho biết mục đích chính của anh khi thực hiện áo là hướng về dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010. “Hiện giờ, tôi đã nhận được nhiều lời mời triển lãm, nhưng tôi đang cân nhắc.
Dự kiến khoảng tháng sáu năm tới, tôi sẽ mang chiếc áo dài này đi Pháp triển lãm trong Tuần lễ văn hóa Việt Nam dưới sự bảo trợ của Sở Văn hóa - thông tin TP.HCM để quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam với thế giới - anh “bật mí” - Sau đó, có thể “Hội trùng dương” sẽ được ra mắt công chúng Việt Nam vào dịp thuận tiện trước khi trình làng tại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.