Hình như các nhà thiết kế Việt Nam đã không thể hướng đến đối tượng khách hàng tiềm năng này. Có thể thấy những show diễn thời trang chuyên nghiệp hiện nay đều chưa phản ánh được xu hướng ăn mặc của các bạn trẻ. Nhưng
Phim ảnh, âm nhạc, báo chí… chính là cách tạo nên ảnh hưởng ở lứa tuổi này. Sau một bộ phim truyền hình hấp dẫn, đặc biệt là phim như Hàn Quốc, Trung Quốc… các bạn trẻ tìm mọi cách để bắt chước những diễn viên mà họ yêu thích.
Điển hình là hiện nay có thể bắt gặp “Bi Rain Việt Nam” ở khắp nơi. Điều này thật dễ hiểu. Thần tượng là “đích ngắm” của thanh thiếu niên.
Sự ảnh hưởng này có thể làm dẫn đến sự ảnh hưởng lớn lao hơn, vì thời trang chính là cách tiếp cận đầu tiên để sau đó là hàng loạt những ứng xử văn hoá trong đời sống được tiếp tục “ăn theo”.
Nhiều người lên án điều này, nhưng tôi cho đó là một quy luật tất yếu. Vốn dĩ, thời trang luôn là hình ảnh đẹp để công chúng phải khao khát và hướng tới. Thì chính đây là câu trả lời rằng giới trẻ Việt Nam đang khao khát và hướng tới điều gì trong thời trang.
Trong khi trang phục của người lớn đang đi vào những lối mòn thì trang phục giới trẻ bộc lộ rõ ưu điểm của sự phong phú. Nhiều phong cách tạo ra trào lưu, làn sóng trên thế giới, nay đã xuất hiện ở Việt Nam.
Thậm chí, người ta không còn nhìn thấy ranh giới quá rõ ràng giữa trang phục quốc tế và Việt Nam ở lựa chọn của lứa tuổi này.
NTK Nguyễn Thanh Tùng
Phong cách freestyle – “phá vỡ những nguyên tắc cơ bản” đang được các bạn rất yêu thích. Những trào lưu thuỷ thủ, búp bê, unisex, summer boys… đang được các bạn thử nghiệm hằng ngày trên chính trang phục của mình.
Nhiều bậc phụ huynh đã than phiền, thậm chí lên án về sự lai căn văn hoá thông qua trang phục mà các bạn trẻ đang mặc. Tôi thấy điều này hơi khắt khe và bất công.
Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng tuổi trẻ chính là lúc chúng ta có quyền thể nghiệm, thử và điều chỉnh cho phù hợp. Nếu giới trẻ Việt vẫn cứ theo những quy tắc sẵn có về ăn mặc mà người lớn áp đặt, đó sẽ là một bước lùi của sự phát triển. Hãy để họ sống đúng với tâm lý lứa tuổi, vì họ còn có quá nhiều thời gian để tự điều chỉnh mình cho phù hợp.
Trên thực tế, teen Việt Nam vẫn còn khá “hiền lành” so với những nơi mà tôi đã từng đi qua. Ở Trung Quốc, giới trẻ tạo ra riêng cho mình một thứ văn hoá riêng biệt, tách hoàn toàn khỏi người lớn. Ở Hong Kong, khi 12 giờ khuya vẫn đông đúc như 7 giờ tối, bạn có thể bắt gặp những mái tóc và quần áo lạ lùng của những người trẻ tuổi. Điều này chỉ đến khi sự tự tin, óc thẩm mỹ và khả năng tưởng tượng phong phú được phát triển mạnh mẽ.
NTK Nguyễn Thanh Tùng
(Giảng viên chuyên ngành thời trang ĐH Kiến trúc TP.HCM, hiện là BTV tạp chí dành cho tuổi mới lớn VTM)
Nhà thiết kế - Nguyễn Công Trí
Không một sự sáng tạo nào không đứng trên vai một nền tảng ban đầu. Nếu nói như giới trẻ Việt Nam đang ảnh hưởng bởi các xu hướng thời trang ứng dụng trong khu vực và thế giới thì phải thực sự mừng, đáng hoan nghênh bởi xã hội đã hội nhập để những người trẻ hoà chung được với dòng chảy của thế giới.
Tôi đã đến Hà Nội, nhìn ngắm các bạn trẻ ở đây ăn mặc rất đẹp, đến xem những cửa hàng thời trang rất xinh. Rõ ràng, giới trẻ Hà Nội ăn mặc đẹp hơn hẳn Sài Gòn. Có thể vì nguồn trang phục thời trang từ Trung Quốc, Hong Kong dồn vào đây nhanh và nhiều hơn, nhưng không thể không nói rằng, người Hà Nội có nền tảng về văn hoá sâu hơn. Họ là những người biết sáng tạo về thời trang, biết mình đang mặc gì, bắt chước ai và sao cho phù hợp.
Giới trẻ ngày nay quá thông minh, mọi dạy dỗ giáo điều là thừa, họ tự biết điều tiết, thử nghiệm và tự đào thải một xu hướng nếu như nó không phù hợp. Tuổi trẻ là phải sáng tạo. Những giá trị thực sẽ được tồn tại, còn nếu không sẽ chỉ thoáng qua mà thôi, không cần phải lên tiếng lo lắng quá sớm làm gì. Mà thời trang là sự sáng tạo quay vòng, thử nghiệm, rồi loại trừ phủ nhận xu hướng cũ.
Đối với người lớn không thể quá khắt khe với giới trẻ. Bản thân chúng ta không còn những suy nghĩ trẻ thì có nghĩa là giới trẻ chưa đủ và không cần phải có những suy nghĩ già và quá trưởng thành. Có đi mới thấy, ở quốc gia phát triển nào cũng có nhiều phong cách thời trang đồng hành, từ đàng hoàng sang trọng cho đến hip-hop, funky, Gothic… Nhưng những xu hướng thời trang đó chia đều và có môi trường tập trung, ví dụ như những con đường, CLB, quán bar… Ở Việt Nam còn nhiều hạn chế nhiều quá, thiếu chỗ tập trung cá tính cho giới trẻ, họ ăn mặc đẹp theo cá tính mà không biết đi đâu, cứ lượn lờ ngoài phố lộn xộn nên thành ra gai mắt và… cấm đoán càng nhiều. Cách quản lý không kiểm soát được thì cấm là không hay, giới trẻ họ có nhu cầu bộc lộ cá tính ngày càng mạnh mẽ còn thời trang chỉ là bề nổi mà thôi. Hãy tạo cho họ một môi trường để họ sống hết mình và sáng tạo.
Nhiếp ảnh gia - Phạm Hoài Nam
Đối với một quốc gia mở cửa và hội nhập, ảnh hưởng thời trang là đương nhiên. Mà với bất kỳ ai, sự mặc là nói ra cá tính. Và đề cao cá tính thì cần phải đến thời trang. Đừng bao giờ nhìn giới trẻ bằng cái nhìn thiếu thiện cảm chỉ vì họ không giống mình, họ ăn mặc khác người. Bởi họ trẻ và nhu cầu bộc lộ cá tính mãnh liệt, càng cấm đoán họ càng làm cho bằng được. Những ông bố bà mẹ có thể gai mắt đấy, nhưng chỉ nên nói chuyện, chia sẻ với họ mà thôi. Giới trẻ đủ khả năng để nói sao cho thuyết phục, rằng xu hướng thời trang của họ là trẻ và đẹp để cùng dung hoà hai quan điểm cũ và mới trong nội bộ một gia đình. Khoảng cách cũ và mới luôn dài và khó dung hoà, nhưng lại là tất yếu của một xã hội luôn vận động.
Tôi đã đến nhiều nơi, những đô thị lớn giới trẻ còn ăn mặc “khùng” hơn nhiều chúng ta. Giới trẻ Việt có ưu điểm là biết lựa chọn. Đẹp là một chuyện, nhưng bạn trẻ phải nghĩ được đến xung quanh và môi trường mình đang xuất hiện. Đôi khi chỉ điều tiết một chút thôi, bạn vẫn đẹp mà không trở thành chướng mắt với xung quanh.