Chị bạn thân sắp tổ chức lễ đính hôn, nhờ tôi làm người rước quả. Với tính xuề xòa, tôi định hôm đó chọn một bộ tươm tất nhất trong số váy áo mình có sẵn là xong. Nhưng chị không chịu, cho rằng
Để tìm chiếc áo đầm rực rỡ ấy, tôi đã bước vào hầu hết các shop thời trang trên đường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Trãi... và tiện thể vào luôn Zen Plaza - khu thời trang tổng hợp để tham khảo kiểu mẫu. Loại áo đầm này đang được ưa chuộng nên hầu như shop nào cũng có, nhưng tôi thuộc dạng khách hàng ưa "kén cá chọn canh", với lại cũng muốn nhân dịp này tham khảo thêm những kiểu thời trang mới nhất. Chưa mua được món ưng ý, song sau khi chịu khó rảo một vòng như thế, tôi đã kịp nhận ra mình bị thời trang bỏ lại với một khoảng cách rất xa.
Trong một cửa hàng sang trọng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, ngoài các kiểu quần áo, váy đầm may sẵn đầy ắp trong các tủ kính; còn có mấy chiếc tủ khác với đủ loại vải vóc được xếp gọn gàng. Một người thợ may ngồi cạnh, cùng đón khách với các nhân viên khác. Bạn thích một cái áo may sẵn nhưng vòng eo hơi chật, ống tay hơi loe? Bạn cứ thoải mái nói ý kiến của mình và thợ sửa liền, không cần phải đổi một size khác. Còn nếu không thích các kiểu may sẵn, bạn có thể chọn vải, đề xuất kiểu và đặt may ngay tại chỗ, rất tiện lợi.
Tương tự, khi bước vào các shop trên đường Nguyễn Trãi, dù không gian, cách bài trí mỗi nơi mỗi khác nhưng đều có chung một cung cách phục vụ "trọn gói" rất dễ làm hài lòng khách hàng như vậy. Có lẽ những cửa hàng này đã xuất hiện ở TP.HCM từ lâu lắm rồi, nên tôi mới có cảm giác mình bị bỏ lại, với nếp nghĩ nếu cần may quần áo thì phải mua vải đem tới chỗ chị thợ may quen thuộc; còn muốn mua sẵn cho nhanh thì vào siêu thị, hoặc những nơi chuyên bán đồ may sẵn. Chưa bao giờ vào các cửa hàng này nhưng tôi dám chắc một điều là khi tạo ra chúng, người ta đã có chủ ý phục vụ những người khách... lười biếng như tôi.
***
Trong lúc nhiều mặt hàng thời trang độc quyền từ nước ngoài nhập về, có đẹp nhưng giá cả lại đắt, thì hàng thời trang trong nước với giá cả vừa phải cũng được người nước ngoài, nhất là Việt kiều về thăm quê hương ưa chuộng. Có anh bạn từ Mỹ sang đến TP.HCM, hành lý vỏn vẹn... hai cái áo thun. Chiều xuống máy bay, tối đã tự kêu taxi đi trung tâm mua sắm. Sáng sớm hôm sau, gặp nhau ở sảnh khách sạn khi anh chuẩn bị tour miền Tây Nam Bộ, tôi thấy anh một tay cầm balô, một tay cầm cái áo sơmi "made in Vietnam" còn trong bọc ni-lon hẳn hoi, dùng... răng gỡ những cái kim ghim trên thân áo! Gỡ kim xong, anh khoác liền bên ngoài chiếc áo thun.
Tôi hỏi sao anh không đem nhiều áo về mặc lại phải đi mua, anh cười toe: "Xách chi cho nặng. Anh biết ở Việt Nam có bán nhiều kiểu áo sơmi, về đây mua được mặc áo mới mà lại đẹp nữa! Anh mua bốn cái luôn". Khi anh lại thăm nhà tôi ở quê, tình cờ gặp lúc mẹ tôi đang soạn lại mớ quần áo cũ. Nghe tôi kể chiếc áo anh đang mặc là hàng nội, mẹ phì cười, tiện thể cho hai đứa xem cái áo mẹ may cho tôi hồi tôi học lớp năm. Anh bạn tròn mắt trước kiểu áo quá ư ngộ nghĩnh. Mẹ tôi làm thợ uốn tóc, nhưng lại may đồ rất đẹp. Hồi đó, chỉ bằng đủ thứ vải vụn thừa ra khi người lớn trong nhà may đồ, mẹ ráp cho tôi cái áo kiểu này. Tôi đã mặc cái áo đó mấy năm liền, đến khi chật thì mẹ mới đem cất làm kỷ niệm. Khi nghe anh bạn tôi nhận xét đây có lẽ là cái áo "mốt" nhất bất kể năm tháng, mẹ cười xòa, nghĩ anh đùa.
Nhưng tôi thấy anh đúng hoàn toàn. Chắc mẹ phải về thành phố mà xem, một cô gái trẻ đi trên đường với mái tóc xén tan hoang mà tôi đồ rằng thợ cắt hư, nhưng bạn bè cứ khăng khăng phải tốn ít nhất vài trăm ngàn đồng cho cái đầu này vì đấy là kiểu "độc". Hay mẹ phải thấy những cái quần jeans rất mới nhưng rách tứ tung, tôi tưởng người mặc vừa mới đánh nhau thì bị bảo đồ nhà quê, đó là người ta xé rách với ý đồ cho ra "mốt". Nhìn thấy vài kiểu như vậy, chắc mẹ mới tin mình cũng có năng khiếu thiết kế mà... không hay!
Chuyến về quê lần này, tôi có ý đồ "độc quyền" chiếc áo đầm đang cần bằng cách nhờ vào tài nghiệp dư của mẹ...