Không chỉ tre Việt Nam, nhà thiết kế trẻ Thiên toàn còn táo bạo khi đưa những cảm hứng về mảnh ruộng bậc thang quê nhà vào trong 15 mẫu thời trang vừa gửi sang Đức dự thi.
Ngày 6.5 vừa qua, hãng thời trang danh tiếng của Đức, Patrons Fashion, chính thức thông báo Thiên Toàn lọt vào vòng chung kết của cuộc thi thiết kế In Fashion. Người từng đoạt giải nhất Vietnam Collection Grand Prix 2003 này đã dành cho chúng tôi buổi trò chuyện ngay sau khi nhận được niềm vui to lớn đó.
* Tại sao anh chọn cây tre và ruộng bậc thang để làm cảm hứng cho bộ sưu tập lần này?
- Tiêu chí của cuộc thi là giới thiệu bản sắc và truyền thống đặc trưng của từng nước châu Á - Thái Bình Dương nên tôi phải đưa ra những gì "đậm đà" Việt Nam nhất. Một lần, tôi nhìn thấy tập sách ảnh của nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm. Những thửa ruộng bậc thang với từng đường uốn lượn tuyệt đẹp đã cuốn hút, gây cảm hứng mạnh mẽ trong tôi. Kết hợp chúng với cây tre, hình ảnh ước lệ của chính nhân quân tử Việt Nam: mạnh mẽ vươn cao trong mọi hoàn cảnh, tôi cho ra bộ sưu tập của mình.
Năm mẫu về ruộng bậc thang tạm đặt tên là The Union và mười mẫu cho The Bamboo được hoàn thành trong hai tuần lễ.
Ban tổ chức nói gì?
Ông Karin Leiberg, Trưởng phòng PR của Patrons Fashion, cho biết: "Patrons Fashion không chọn ra người chiến thắng và lọt vào vòng chung kết. Quyết định được đánh giá bởi Hội đồng nghệ thuật của châu Âu. Chúng tôi thích các thiết kế của Thiên Toàn. Từ màu sắc, chất liệu đến cách phối hợp giữa phong cách Á châu và thời trang hiện đại... Toàn xứng đáng vào chung kết".
|
Cuộc thi cũng yêu cầu đưa ra xu hướng màu cho Xuân - Hè 2008 nên tôi dùng màu xanh mạ non, màu beige, màu nâu nhạt và gam màu trung tính đi kèm. Linen là một trong những chất liệu người Đức yêu thích, tôi đã sử dụng chất liệu này và organza cho bộ sưu tập. Sau khi xem xong, cô Minh Hạnh bảo: "Có sự độc đáo". Và bộ sưu tập của tôi gấp rút gửi đi.
* Tại sao phải đến tận bây giờ anh mới chính thức tham gia cuộc thi sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc và đoạt giải Vietnam Collection Grand Prix 2003?
- Tôi dành thời gian để làm việc cho các hãng thời trang tư nhân để lấy kinh nghiệm. Tôi tham gia cuộc thi lần này là vì quyết định của Fadin, không nên bỏ lỡ cơ hội. Thêm vào đó, cuộc thi tôn vinh bản sắc châu Á từ một hội hiệp thời trang của châu Âu hoàn toàn xứng đáng để tôi gửi mẫu tham dự.
* Nhà thiết kế thì phải vào Zen Plaza và mở một boutique cùng nhãn hiệu riêng ở đấy. Trong khi anh lại đi làm cho các hãng tư nhân và chọn mô hình tự do?
- Tôi cần đi làm kiếm tiền, tích lũy vốn và chọn mô hình tự do vì chưa tìm được công ty thích hợp. Tôi đã học được kinh nghiệm: Để thay đổi tư duy ngành thời trang, nhiệm vụ đó không dành riêng cho nhà thiết kế. Một khi nhà kinh doanh và thiết kế không tìm được tiếng nói chung thì phải "đứt gánh" thôi. Bây giờ tôi đầu quân về công ty may Phương Đông và xác định: quyền lợi của mình gắn bó với quyền lợi công ty.
 |
Một trong những mẫu dự thi tại Đức của Thiên Toàn - Ảnh: PC |
Tôi chưa giàu để tạo dựng và nuôi dưỡng ước mơ nên phải tiếp tục làm thêm. Làm thời trang phức tạp hơn nhiều chứ không phải may một chiếc quần, chiếc áo rồi dán "mác" của mình vào là xong.
* Anh từng bảo: Người Việt làm đồ cho người Việt là tốt nhất, trong khi hàng hóa và các nhãn hiệu cao cấp của châu Âu lại không ngừng vào thị trường Việt Nam...
- So với thế giới, mình chưa là gì hết. Ngay cả vạch xuất phát cũng chưa bằng người ta và từ đó nhận định về thời trang cũng khác đi. Nếu đưa ra những trào lưu, khuynh hướng châu Âu, châu Mỹ mà bảo rằng đó là khuynh hướng chung của thế giới thì không hẳn.
Người Mỹ làm đồ cho người Mỹ mặc, người châu Âu làm đồ cho người châu Âu mặc. Và chắc chắn nhà thiết kế Việt Nam sẽ hiểu chính bản thân người Việt Nam cần gì hơn. Vấn đề nan giải là người Việt Nam vẫn chưa thích ứng với những gì quá táo bạo. Chỉ cần nhìn bộ đồ hơi khó hiểu một chút thì sẽ đặt câu hỏi ngay: "Ai sẽ mặc cái này?".
Trước tình hình đó cũng như cơn sóng hàng hiệu đang lan tỏa mạnh mẽ, cá nhân tôi nghĩ nhà thiết kế Việt cần có bản lĩnh hơn. Phải tìm cách hội nhập và nâng cao tầm của thời trang Việt vì nó còn rất nhiều tiềm năng để các nhà thiết kế tung hoành, phát triển.