Kết nối, hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả giữa nhà sản xuất và các nhà thiết kế (NTK) chuyên nghiệp được đánh giá là thành quả lớn nhất của ngành thời trang VN trong năm 2007.
Thời trang hoá toàn ngành dệt may, ngành dệt may phải từng bước tăng kim ngạch xuất khẩu song song với việc chiếm lĩnh thị trường nội địa bằng thiết kế riêng để nâng cao giá trị thặng dư là chiến lược của Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex). Để thực hiện từng bước chiến lược này, thời gian gần đây, các công ty dệt may đã "nhờ cậy" tới Viện Mẫu thời trang (Fadin) giới thiệu, tuyển chọn giúp một số NTK.
Sáng 19.12, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Sao Kim - Phó Tổng biên tập Tạp chí Mốt (Fadin) cho biết: "Hiện, hơn 50 NTK đang làm việc tại gần 10 công ty dệt may. Các tuần lễ thời trang được tổ chức trong năm nay là sân chơi đúng nghĩa thể hiện rõ nhất thành quả lao động của các NTK trong môi trường công nghệ cao. Các bộ sưu tập cũng chứng tỏ sự thích nghi với các điều kiện làm việc ở các công ty, sự chịu đựng lẫn nhau giữa nhà sản xuất và nhà thiết kế".
Không phải ngẫu nhiên, nói tới quan hệ giữa NTK và nhà sản xuất, bà Sao Kim nhắc lại vài lần hai từ "thích nghi". Nhà sản xuất thích nghi với NTK bằng cách tạo môi trường làm việc. Về phía NTK: Cái tôi của NTK (kẻ sáng tạo) thường lớn, rất dễ "chỏi" trong môi trường làm việc tập thể. Thực tế, thời gian qua, cũng đã vài NTK sau thời gian ngắn cộng tác với các đơn vị đã phải chia tay vì cho rằng môi trường làm việc không thích hợp, tài năng của họ không được đánh giá, trọng dụng thích đáng.
Từ hiện tượng này, một câu hỏi được đặt ra: Có hay không việc trong môi trường làm việc ở các công ty dệt may nhà nước, cá tính, ý tưởng sáng tạo bị bóp nghẹt, NTK không có cơ hội tạo dựng thương hiệu riêng, ý tưởng thiết kế của họ có khi là bị lạm dụng miễn phí?
Phỏng vấn một số NTK hiện làm ở các công ty và vừa tham gia Tuần lễ thời trang VN tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 11 vừa qua cho thấy: Các NTK vẫn có thể kết hợp hài hoà giữa củng cố, phát triển thương hiệu riêng của họ thông qua cửa hàng, hiệu riêng, trung tâm thương mại chuyên về thời trang như Nhật Nam - TPHCM với việc sáng tạo các mẫu mã mới cho những đơn vị họ đang làm việc, không có cảm giác bị "nuốt chửng", lại thấy sự hãnh diện khi thấy mẫu mã mình thiết kế được sử dụng nhiều, bày bán nhiều trong hệ thống các siêu thị.
"Sự đóng góp của các NTK đối với các công ty dệt may có thể chứng minh bằng một vài con số sau: Mức tăng trưởng nội địa của F.House - Cty Phương Đông tăng 100% so với năm trước, doanh số bán hàng năm bình quân tăng 30%/năm; May 10 từ khi có thêm các NTK, sự đổi mới thể hiện không chỉ trong lĩnh thiết kế trang phục, mà còn thay đổi triệt để trong việc thiết kế trưng bày quầy hàng..." - bà Kim cho biết.
"Làm việc ở các công ty phải có sức chịu đựng cao, không thể làm việc một cách nghệ sĩ, tuỳ hứng. Sức ép công việc buộc NTK phải luôn động não đưa ra thị trường mẫu mã mới nhất" - NTK Quang Huy (trưởng nhóm thiết kế - Cty may 10) cho biết. Một số NTK "trải đời" ở nhiều công ty tư nhân hay lăn lộn một mình vài năm cho thương hiệu riêng, rút cuộc đã quyết định an cư ở các công ty nhà nước như Trọng Nguyên, Phú Tân. . .
Sang năm 2008, dự báo, nhu cầu tuyển các NTK của các công ty khá lớn. Chẳng hạn Cty Việt Tiến, trong 5 năm tới, cần 50 NTK. Trách nhiệm đào tạo, tìm kiếm các NTK lại tiếp tục trên vai Fadin. "Ngoài việc tốt nghiệp các ngành mỹ thuật, thiết kế, họ phải có tư duy sáng tạo, khả năng làm trong môi trường công nghiệp - ba tiêu chuẩn đầu tiên của một NTK chuyên nghiệp" - bà Kim nói.