Hầu hết người mẫu Việt quen cung cách làm việc trong môi trường nhỏ nên cảm thấy bỡ ngỡ và lạ lẫm khi bước vào môi trường chuyên nghiệp.
Năm 2007, nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới chính thức đến Việt Nam lập lãnh địa. Lần lượt Louis Vuitton, Gucci, CK, Mo&Co, Ungaro, rồi Timberland, Guy Laroche, Levi’s, Burberry, Lacoste, Dr. Martens...
Cũng trong năm qua, thời trang Việt được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn sau khi tàu năm sao F-Diamond với kênh thời trang quốc tế Fashion TV (FTV) ghé thăm và biểu diễn. Nhiều cuộc thi hoa hậu trong nước được tổ chức cũng là sân chơi cho các nhà thiết kế thời trang.
Các nhà thời trang thế giới cũng đã chú ý đến Việt Nam khi nhiều người đẹp Việt Nam tham dự và có giải trong các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới và khi Việt Nam đăng cai một phần trong cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2007 và đã thắng được hợp đồng đăng cai Hoa hậu Hoàn vũ năm nay cũng như có khả năng sẽ đăng cai cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm 2010.
Thời trang quốc tế hay giao lưu du lịch?
Với những thông tin như vậy, cứ tưởng thời trang Việt đã rất thành công và sẽ làm bệ phóng cho những năm tới. Nhưng thực tế thì cũng chỉ là bề nổi.
Sau lần ghi hình thời trang của nhà thiết kế Võ Việt Chung vào tháng 9-2007, FTV chính thức đến biểu diễn tại Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 9-11-2007. Đây là hai lần được xem là vẹn toàn. Tuy nhiên, trong lần trở lại gần đây nhất vào đêm giao thừa Tết Tây 2008 với chương trình New year party, dư luận bắt đầu có ý kiến khác.
Sân khấu quá chật mà lại chứa đến 800 khách, đông gấp đôi lần đầu tiên. Công ty TNHH Dịch vụ và đào tạo người mẫu PL (Professional Look) là đơn vị có công trong việc mời FTV sang Việt Nam. Nhưng ngay chính ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc công ty, cũng đã đánh giá: “Tôi đứng trong ban tổ chức mà vẫn còn thấy uổng. Một chương trình Miss FTV thế giới mà lại tổ chức trong không gian còn nhỏ hơn một show thời trang bình thường của Việt Nam!”.
Nếu đánh giá về các bộ sưu tập và người mẫu tham gia chương trình thì chất lượng chỉ dừng ở mức trung bình. Chưa kể sau đó còn có chuyện lùm xùm giữa chính các người mẫu Việt Nam tham gia chương trình. Và vẫn chưa ai trả lời được câu hỏi: Thực sự thời trang Việt nằm ở đâu đằng sau thương hiệu FTV sáng chói đó hay FTV đến chỉ để du lịch, giao lưu?
Ông Nguyễn Thanh Long cho rằng FTV là một kênh thời trang chuyên nghiệp nhưng người mẫu Việt Nam chưa phù hợp với phong cách làm việc của người mẫu quốc tế. Ông nhận xét hầu hết người mẫu Việt chỉ mới dừng lại ở cung cách làm việc trong môi trường nhỏ nên cảm thấy bỡ ngỡ và lạ lẫm khi bước vào môi trường chuyên nghiệp.
Ông nói: “Tôi thấy người mẫu các nước khác tham gia FTV ai cũng vui cười, tự tin. Họ xem như đang thi hành nhiệm vụ cho đất nước trong khi người mẫu của mình lại hơi căng thẳng”.
Còn nhiều chương trình chui
Cũng chính vì sự chuẩn bị chưa kỹ về phía người mẫu nên bây giờ, trong khi các thương hiệu thời trang quốc tế đến Việt Nam mở ra nhiều chương trình thời trang chuyên nghiệp để biểu diễn tạo đẳng cấp thì người mẫu Việt Nam chỉ mới dừng ở mức độ làm quen.
Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố góp phần làm cho thời trang Việt kém chuyên nghiệp. Đây đó vẫn còn những show thời trang chui, không có giấy phép. Có nơi biểu diễn chui định kỳ; cũng có nơi lâu lâu biểu diễn chui một lần.
Một chương trình thời trang chưa được thẩm định sẽ rất khó trở thành chương trình có chất lượng. Bằng chứng là có chương trình không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, tổ chức biểu diễn nội y núp bóng dưới hình thức show thời trang nội bộ để lách được giấy phép.
Một số nhà thiết kế vẫn giữ những mẫu cũ nhưng đổi tên bộ sưu tập để tham dự được nhiều chương trình. Hoặc có nhà thiết kế “lập lờ đánh lận con đen” thay đổi 30% trong bộ sưu tập, thêm thắt một mẫu mới còn toàn bộ đều giữ nguyên xi như cũ, chỉ có cái tên bộ sưu tập được thay đổi.
Gần như tất cả các show thời trang trong nước đều có dấu ấn quá đậm của nhà tài trợ. Dẫu biết làm chương trình thời trang, ca nhạc ở Việt Nam thì phải có tài trợ chứ chả ai tự bỏ tiền túi ra làm rồi chịu lỗ, thế nhưng cái bóng của nhà tài trợ bao trùm quá thể. Như vậy liệu có chuyên nghiệp được hay không?
Việc chọn người mẫu thông qua các cuộc thi hoa hậu là một cách để tìm kiếm nhân tố mới. Các công ty người mẫu rất muốn phối hợp bởi các danh hiệu hoa hậu, á hậu của người mẫu sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu công ty.
Thế nhưng trong nhiều cuộc thi sắc đẹp lại lùm xùm chuyện mua bán giải, trình độ thí sinh không đúng thực chất hay thí sinh chỉ là “gà” của nhà tài trợ... Thật quả không dễ cho các công ty người mẫu lựa chọn...
Hỏi về tương lai thời trang Việt, Giám đốc Nguyễn Thanh Long nhận xét: “Phải đến năm 2009, 2010, thời trang Việt mới hy vọng khởi sắc”.