Tác giả chuyên mục Thời trang quốc tế Lãm Mọi (tên thật Trần Thuý Lãm) tốt nghiệp cử nhân thiết kế và nghiên cứu thị trường thời trang tại American Intercontinental University, từng cộng tác với Neiman Marcus làm dự đoán thời trang (Trend research – fashion forecast). Hiện cô sống ở Atlanta (Mỹ) và làm chủ nhãn hiệu Lam Moi Designs.
Không chỉ có những công trình kiến trúc, thiên nhiên, những sinh hoạt đời thường cùng tiện nghi tạo nên dấu ấn một khu phố, một đô thị, mà cả những con người cùng thời trang mà cụ thể là bộ cánh họ khoác trên người cũng tạo nên một diện mạo khác biệt cho phố phường, ở đó ta có thể nhận ra ngay nơi chốn này khác với nơi chốn khác và cả đời sống văn hoá, tinh thần...
Tháng 3 khắp nơi là tiết xuân ấm áp. Đây là thời điểm lý tưởng nhất để mọi người chưng diện theo ý thích của mình, ở khắp nơi trên thế giới. Tôi nhìn thấy trên đường phố mỗi con người đều toả sáng tự nhiên theo phong cách riêng. Họ toả sáng vì chính con người thật, vì yêu nhau, vì yêu cuộc sống và đủ bản lĩnh để không e dè ngại ngần khi thể hiện bản thân. Họ đẹp vì họ không cần phải giống ai. Họ là những cá thể độc lập riêng biệt để rồi hợp lại với nhau trở thành một khối cộng đồng sống động và nhiều màu sắc, để làm nên một bộ sưu tập thời trang sống động hơn vạn lần trên sàn catwalk hay trong những bộ hình trên tạp chí thời trang. Hơn thế nữa họ cùng nhau tạo nên văn hoá đường phố.
Đường phố là nơi những nhà nghiên cứu thời trang tìm hiểu trào lưu văn hoá đang diễn ra để họ có thể căn cứ áp dụng và tiên đoán cho những trào lưu sắp tới. Những hình ảnh đi kèm bài viết này cho chúng ta thấy trào lưu văn hoá trong thời trang đường phố qua ba thể loại:
– Cấp cao (high culture): thời trang được lấy cảm hứng (từ màu sắc, chất liệu đến thiết kế) từ những tác phẩm nghệ thuật. Đó có thể là những thiết kế đầy chất nghệ thuật của những nhà thiết kế tên tuổi như Valentino hay Alexander Mcqueen...
– Cấp thấp (low culture): thời trang được lấy cảm hứng từ cách ăn mặc phục trang của những người, nhóm người riêng lẻ đặc biệt. Nhóm người này sống bất chấp sự công nhận hoặc trân trọng của xã hội, ví dụ như cô gái bán hoa, ăn mày hay dân bụi đời... Họ không chú trọng chuyện ăn mặc sao cho đúng kiểu cách, nhưng lạ lùng sao họ tự tạo cho mình một phong cách đặc biệt, bất cần đời mà tự tung tự tại. Chính tinh thần này đã gợi cảm hứng cho các nhà thiết kế và người mặc tạo nên một dòng chảy thời trang riêng rẽ.
– Thời thượng (pop culture): thời trang lấy cảm hứng từ phim ảnh, tivi, âm nhạc và người nổi tiếng. Đó cũng là dạng thời trang dành cho đa số, và là sự kết hợp giữa dạng cấp cao và cấp thấp.
Thực tế, bức tranh sống động vì có đầy đủ những yếu tố cao và thấp, sáng và tối, xấu và đẹp. Không có một xã hội nào hoàn hảo, không một đường phố nào mà chỉ có toàn những điều tốt lành, xinh đẹp. Thời trang là những biểu hiện chân thật và tiêu biểu của cuộc đời đã làm nên câu chuyện thời trang chứ không phải chỉ là những chiếc áo đẹp. Giống như một câu nói của bà Coco Chanel: “Thời trang không chỉ là trang phục. Thời trang đang ở bầu trời, ở đường phố, là những ý tưởng sáng tạo, là cách sống của chúng ta, là những gì đang xảy ra”.
(H1,2,3,4,5) Quần áo và trang sức đậm chất hội hoạ đại diện cho "high culture" mà chúng ta bắt gặp ngoài đường phố. Trang phục lộng lẫy kiêu sa của những nhà thiết kế lớn chỉ dành riêng cho giới thượng lưu.
(H6,7,8,9,10) Vẻ bụi bặm trong cách ăn mặc “low culture” được tiên phong bởi những thành viên lập dị của xã hội, nhưng nhiều người nổi tiếng cũng khá hứng thú trong cách ăn mặc này. Đôi khi chúng ta nhìn thấy ngoài đường phố những ngôi sao ăn mặc bụi bặm như dân bụi đời. Mặc dù cái tên được gọi “low culture”, nhưng đó vẫn là niềm thích thú không chỉ cho giới bình dân mà cả những người nổi tiếng.
(H11,12,13,14,15) Sự phối hợp giữa "high culture" và "low culture", "pop culture" được phổ biến rộng rãi nhất. Sự mới mẻ và trẻ trung trong cách ăn mặc này ảnh hưởng từ nhiều lĩnh vực như âm nhạc, phim ảnh, truyền hình, người nổi tiếng...
H10
H11
H12