Nhà tạo mẫu thời trang huyền thoại Yves Saint Laurent (YSL), người đã dám trình diễn những bộ váy áo bằng chất liệu trong suốt khi mà phụ nữ còn cảm thấy ngại ngùng với bộ bikini trên bãi biển, vừa trút hơi thở cuối c
Người bạn thân lâu năm kiêm cộng sự của ông Pierre Berge xác nhận YSL ra đi ở tuổi 71. Người bạn Pierre Berge cho biết YSL qua đời tại nhà riêng ở Paris sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật.
Với tư cách là biểu tượng thời trang hàng đầu của thế kỷ 20, Saint Laurent được xem là đại diện cuối cùng của các đế chế thời trang Christian Dior và Coco Chanel, và góp một phần lớn đưa thủ đô Paris của nước Pháp trở thành kinh đô thời trang của thế giới.
Trong thế giới thời trang biến đổi không ngừng, Saint Laurent được đánh giá là một trong những nhà thiết kế gây ảnh hưởng và bền bỉ nhất trong thời đại ông. Dấu ấn tài năng của Saint Laurent lưu lại trên mỗi thiết kế của ông từ chiếc áo khoác YSL đầu tiên cho đến áo cánh phụ nữ, áo vest đến những chiếc váy dạ hội sang trọng... Điều đáng nói là các thiết kế của YSL không chỉ được các quý cô, quý bà ưa chuộng ngay khi vừa ra đời, mà đến mấy chục năm sau nó vẫn thời trang!
YSL nổi danh trong làng thời trang Pháp từ khi 21 tuổi và tuyên bố nghỉ hưu vào năm 2002 với tuyên bố: “Công ty của tôi là hãng thời trang duy nhất vẫn đang gặt hái được thành công. Tất cả phụ nữ trên thế giới đều tìm đến tôi, vì họ chẳng kiếm được bộ váy ưng ý ở bất kỳ nơi nào khác”.
Tuyên bố ngạo mạn này của Yves không hề vô lý. Đến nay, ông vẫn là một tên tuổi lớn và đắt khách kể từ khi xây dựng thương hiệu đầu thập niên 1960. Danh tiếng và thành công ngoài sức tưởng tượng của YSL đã phải trả giá bằng cuộc sống riêng đầy tai tiếng.
Yves Saint Laurent tên thật là Yves Henri Donat Mathieu-Saint-Laurent sinh ngày 1/8/1936 tại Oran, Algeria trong một gia đình bảo thủ. Cha ông là giám đốc một công ty bảo hiểm, còn mẹ là ngôi sao của giới thượng lưu. YSL luôn thu mình lại trong hình ảnh của một người nghệ sĩ bị dằn vặt bởi những bí mật khó nói. Mới 10 năm trước, trước khi cha ông chết, ông mới thú nhận với cha mình rằng ông là một người đồng tính!
Ngay từ bé, YSL đã quan tâm đến thời trang của mẹ và tập thiết kế khi còn đi học. Bị bạn bè trêu chọc vì thói quen khác người, YSL tự nhủ: “Một ngày kia, mình sẽ là người nổi tiếng”. Nhưng chính YSL cũng không tưởng tượng được rằng, ông sẽ thành công từ khi còn rất trẻ.
Năm 1954, một nhóm kinh doanh len đã tổ chức một cuộc thi thiết kế tại Paris - một dạng của "Project Runway" của thập kỷ 50 và người chiến thắng không ai khác, mà chính là Yves Saint Laurent - chàng trai 18 tuổi cao, gầy, luôn "giấu" sự sáng tạo của mình trong một bộ vest không quá nổi bật, đằng sau cặp kính gọng đen. Danh tiếng của cuộc thi đã đem lại cho YSL một công việc ở hãng thời trang danh tiếng Christian Dior. Đó là trở thành trợ lý cho nhà thiết kế huyền thoại Christian Dior. Đây cũng là tất cả những gì mà Yves Mathieu-Saint-Laurent cần vào thời điểm đó, theo như ông nói thì những năm đầu ở Dior đã giúp ông thấy được những bí ẩn của ngành thiết kế.
Ba năm sau, Monsieur Dior ra đi ở tuổi 52 vì trụy tim, và Saint-Laurent, khi đó mới 21 tuổi, nghiễm nhiên trở thành người đứng đầu đế chế thời trang Dior.
Tháng 1/1958, YSL cho ra mắt bộ sưu tập đầu tiên của ông ở trụ sở Dior. Buổi trình diễn đã thành công tới mức hàng trăm người dân Paris đã đứng vỗ tay trên các đường phố quanh đó, tỷ lệ bán hàng của hãng tăng 35%, báo chí Pháp không ngừng ca ngợi Saint-Laurent là "đấng cứu thế của thời trang cao cấp".
Hai năm sau, năm 1960 YSL bị buộc phải rời khỏi Dior để phục vụ trong quân ngũ, mất đi vị trí hàng đầu trong làng thời trang. Chỉ trong vòng 6 tuần đầu tiên, YSL đã bị quỵ ngã về thần kinh. Ông đã phải vào điều trị ở bệnh viện quân y tâm thần Val de Grace ở Paris trong vài tháng. Nhớ lại khoảng thời gian đó ông nói: "Tôi đã trải qua địa ngục. Tôi đã biết nỗi sợ hãi và kinh hoàng của sự cô đơn... sự tuyệt vọng, sự trói buộc của bệnh viện".
Trong khi YSL vẫn còn ở viện Val de Grace, Dior đã thuê nhà thiết kế khác là Marc Bohan.
Tháng 1/1962, sau khi giải ngũ, Yves Saint Laurent và Pierre Berge cùng lập công ty riêng. YSL trở thành người đầu tiên để phụ nữ mặc vest, áo choàng dài. Ông đã dám trình diễn những bộ váy áo bằng chất liệu trong suốt khi mà phụ nữ còn cảm thấy ngại ngùng với bộ bikini trên bãi biển.
Sự trở lại của YSL nhanh chóng được đón chào trong giới thượng lưu châu Âu. Ông làm bạn với những ngôi sao như diễn viên Marlene Dietrich và Nữ công tước Windsor (vợ của cựu hoàng Anh Edward VIII).
|
YSL góp phần đưa Paris thành kinh đô thời trang thế giới.
|
Đến năm 2002, nhà thiết kế lừng danh tuyên bố nghỉ hưu, quyết định đóng cửa trụ sở công ty thời trang do ông sáng lập từ năm 1961 ở Paris, sau một thời gian bị thua lỗ nặng nề. “Chúng ta phải đối diện với sự thật là công ty đã không còn khả năng vực dậy được nữa trong sự cạnh tranh khốc liệt của thời trang thế giới ngày nay. Tôi không muốn nói lời chia tay với 158 trợ thủ đã sát cánh bên mình trong những ngày sóng gió, nhưng đến lúc phải đặt dấu chấm hết cho một câu chuyện tình suốt 40 năm qua", Laurent nói. Đơn đặt hàng cuối cùng của nhà thiết kế 66 tuổi này là một chiếc áo khoác cho ngôi sao Catherine Deneuve - một người bạn lâu năm của ông.
"Hơn bất kỳ một nhà thiết kế thời trang nào khác đến từ Chanel, YSL chứng tỏ mình là một người đứng đầu trong hàng ngũ các nhà thiết kế của Paris," Tờ London Độc lập nhận xét sau tuyên bố "giải nghệ" của YSL. "Bằng việc để phụ nữ mặc áo choàng dài, YSL đã vĩnh viễn thay đổi quan niệm về thời trang, trong cái cách không bao giờ đem đến sự lỗi mốt."
Bản thân YSL cũng từng tự hào nói về công việc của mình: "thời trang không chỉ làm cho phụ nữ đẹp, mà còn đem lại cho họ sự tự tin, làm cho phụ nữ cảm thấy dễ chấp nhận mình nhất."