Dù vẫn còn những chương trình thời trang trên truyền hình, trong các hội nghị khách hàng..., nhưng nhìn chung đời sống thời trang Việt trong năm qua gần như lặng im. Mà sự thinh lặng này chưa có dấu hiệu "ồn ào" trở lại trong năm 2009.
Chỉ mới "vượt qua chính mình"
Rất nhiều nhà thiết kế, nhà sản xuất, kinh doanh luôn đánh giá thời trang Việt Nam trong những năm qua đã có bước phát triển nhanh. Tuy nhiên nhìn nhận vấn đề này chỉ nên xét yếu tố "ao làng", tức "vượt qua chính mình", chứ chưa thể gọi là vươn ra thế giới. Vẫn còn đấy hàng loạt chương trình thời trang trên VTV, HTV, các đài tỉnh nhưng cũng chỉ là xem cho vui, giải trí chứ chưa thể là công cụ giúp phát triển, là động lực thúc đẩy nền công nghiệp may mặc của cả nước vượt qua một giai đoạn mới.
Các show diễn ở Việt Nam hoặc xa lạ với thói quen, gu thẩm mỹ của người tiêu dùng vì quá chạy theo xu hướng thời trang thế giới như Tuần lễ thời trang Việt Nam hay Đẹp Fashion show với những mẫu thiết kế chỉ thỏa mãn thị giác là chính chứ hoàn toàn không ứng dụng nhiều trong đời sống; hoặc quá nghèo nàn về mẫu mã, chủng loại lẫn phong cách thiết kế như các show diễn trong các hội chợ thời trang Việt Nam do Tổng công ty dệt may Việt Nam tổ chức...
|
Nhà thiết kế Ngô Thái Uyên
|
"Thời trang trong nước đã lặng lẽ nay càng im lìm hơn do quá ít show diễn và đa phần đều là những chương trình ăn theo việc quảng bá thương hiệu hàng tiêu dùng, hoàn toàn không mang tính hướng dẫn tiêu dùng, tạo xu hướng thời trang. Mà ngay cả show diễn quảng bá này cũng giảm đến 40% vào cuối năm 2008, và có thể giảm hơn vào năm 2009" -
Nhà thiết kế Ngô Thái Uyên, Giám đốc Công ty N.T.U Design.
|
Nhìn lại thời trang Việt trong những năm qua, lực lượng các nhà thiết kế vẫn chưa thể hợp sức tạo thành phong cách riêng cho thời trang Việt do quá manh nha (thích mở shop, cửa hiệu riêng hơn là đầu quân cho một công ty, tập đoàn dệt may lớn) và quá vì cái tôi (không muốn làm việc dưới quyền của ai, muốn tự do trong sáng tạo). Điều này vô hình trung làm cho ngành thời trang cả nước đã chậm phát triển lại ngày càng bị xé nhỏ bằng hàng loạt cửa hàng mà thoạt nghe qua, rất ít khách hàng có dấu ấn về thương hiệu do đội ngũ thiết kế này tạo ra (do thiếu đầu tư về vốn, về kỹ thuật, về tiếp thị, quản lý chất lượng sản phẩm...).
Chưa có tín hiệu khả quan
Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm đã ảnh hưởng đến kinh tế nói chung và cả ngành dệt may VN nói riêng. Vì thế mục tiêu đạt 9,5 tỉ USD của ngành dệt may trong năm 2008 và 11,5 tỉ năm 2009 khó thực hiện. Ước tính 10 tháng của năm 2008, kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước chỉ đạt gần 7,7 tỉ USD. Dạo quanh các cửa hàng thời trang hay vào các trung tâm thương mại, bảng sale-off (đại hạ giá) tràn lan nhưng mãi lực vẫn rất thấp.
Tìm hiểu nguyên nhân, được biết hàng may mặc trong nước đang bị cạnh tranh ngày càng quyết liệt bởi hàng Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan..., những mặt hàng có giá rẻ, mẫu mã đa dạng, phong phú; và trên hết là người dân ngày càng giảm chi tiêu cho việc mặc đẹp do đời sống khó khăn. Trong khi với lợi thế "sân nhà", các công ty dệt may trong nước gần như không thể làm gì hơn do cứ mãi theo lối mòn: mẫu mã, chất lượng kém; hệ thống phân phối sản phẩm còn quá ít hoặc sơ sài, không đẩy lên được thành xu hướng ăn mặc cho khách hàng, đặc biệt là giới trẻ thị thành...
Vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại: không có hay không tập trung được đội ngũ thiết kế giỏi dẫn đến sản phẩm làm ra kém, tiêu thụ chậm, không thể tái đầu tư. Và vì vậy con đường phát triển bền vững, lâu dài cho thời trang Việt cứ mãi loay hoay gần 10 năm nay, dù đội ngũ "nhà thiết kế" được sản sinh ra càng nhiều qua mỗi năm từ các cuộc thi thời trang hay tốt nghiệp từ các trường ĐH, CĐ, THCN trong cả nước.
Có thật sự phát triển không khi thời trang chỉ là những show diễn do các công ty hàng tiêu dùng tài trợ với ý tưởng thiết kế trang phục phụ thuộc vào đội ngũ làm tiếp thị của công ty đó? Hay thời trang chỉ là những chương trình trên truyền hình giới thiệu lần lượt hết bộ sưu tập này đến bộ sưu tập khác, năm này qua năm khác mà chẳng để lại dấu ấn gì (hay rất ít) nơi người tiêu dùng? Hoặc thời trang chỉ gắn với những show diễn "xem cho vui", "ngắm người đẹp" là chính trong một vài chương trình được cho là chuyên nghiệp theo "chuẩn" nước ngoài về mẫu mã, xu hướng, nhưng lại hoàn toàn xa lạ với khách hàng trong nước? Câu trả lời xin được dành lại cho những nhà làm thời trang, những người sản xuất hàng dệt may trong cả nước.