Có nên tiếp tục tổ chức Vietnam Collection Grand Prix khi 9 mùa giải vừa qua, chừng ấy người đoạt giải là chừng ấy cái tên cứ dần rơi vào quên lãng?!
Ra đời đúng thời điểm ngành thời trang trong nước đang chập chững từng bước tìm chỗ đứng cho riêng mình; với mục đích tạo sân chơi cho những người đam mê thiết kế, cuộc thi là dấu hiệu đầu tiên khẳng định Việt Nam đang dần chuyên nghiệp và đào tạo được một đội ngũ trẻ đủ sức đưa cái tên Việt Nam ngang hàng thời trang thế giới.
9 gương mặt vinh dự bước lên nhận giải thưởng cao nhất, 9 sưu tập được vinh danh từ trước đến giờ được cho là đã đáp ứng đủ tiêu chí của cuộc thi về màu sắc, kiểu dáng, bố cục tổng thể, chất liệu, theo kịp xu hướng. Nhưng xét về tính định hướng về thời trang thì cho đến giờ, tìm đỏ mắt cũng chưa thấy ai trong số những gương mặt nổi bật của cuộc thi đưa ra được xu hướng ăn mặc hay tìm ra một lối đi cho thời trang nước nhà.
Không đủ can đảm gọi đó là quần áo?
Chừng ấy năm, xuất hiện trong các đêm biểu diễn của Vietnam Collection Grand Prix cũng vẫn là những bộ sưu tập đề cao tính trình diễn với những bố cục hoành tráng: gọng, khung, hình thù “lạ mắt”. Và hình như những phụ kiện rườm rà đang ngày càng được thí sinh ưa chuộng sử dụng cho bộ sưu tập dự thi.
Theo lời bà Minh Hạnh, Viện trưởng Viện mẫu thời trang Fadin, thì tính định hướng và sự theo kịp xu hướng luôn được đề cao trong tiêu chí chấm thi của Ban giám khảo, ngoài ra tính ứng dụng cũng luôn được tán dương và hoan nghênh.
Nhưng nhìn vào 9 sưu tập đã đoạt giải, người ta tự hỏi: Xu hướng ở đâu? Dựa trên tiêu chuẩn nào để cho rằng đó là xu hướng thời trang? Và nhất là chẳng ai dại gì đem nó ứng dụng trong đời thường. Bởi ngay cả người mẫu trình diễn trên sân khấu cũng ngã tím đầu gối vì kết cấu và tổng thể rườm rà của mỗi bộ sưu tập, thì lấy đâu ra tính ứng dụng khi đem nó vào đời thường?!
Nhiều người mẫu rất ngại khi mặc những trang phục của thí sinh dự thi Vietnam Collection Grand Prix. T., người mẫu nổi tiếng gắn bó với 3 kỳ Vietnam Collection Grand Prix than thở nhiều lần cô đã phải mặc những bộ có gắn lông chim mà oái oăm thay, những chiếc lông chim không hiểu sao lại... bốc mùi, nên cứ phải cố nín thở mà bước đi.
Đấy là chưa kể có cô vô phúc “vớ” phải bộ sưu tập với gần 20 trái banh đính xung quanh, nhón chân, khệ nệ lê từng bước cũng không tránh khỏi những cú bước hụt trên sân khấu.
Mỗi năm Fadin và những nhà tổ chức đưa ra một chủ đề cho bộ sưu tập dự thi. Nhưng chưa ai rõ ràng về tiêu chí đánh giá sự hợp chủ đề của mỗi bộ sưu tập. Bởi vậy, xem những bộ sưu tập trình diễn trong đêm chung kết, khán giả, những người quan tâm tới cuộc thi cũng mù mờ trong việc nhận ra ý nghĩa của bộ sưu tập và những ý tưởng mà nhà thiết kế muốn thể hiện.
Vô hình chung, người ta đến xem một buổi diễn thời trang mà như đi xem một triển lãm trưng bày sản phẩm công nghiệp, khi quần áo, trang phục được cách điệu bằng đủ thứ hình khối chẳng rõ về chủ đề, bằng đủ mọi vật liệu nghiễm nhiên kết thành và được gọi một cách bóng bẩy là “sáng tạo, đột phá của những nhà thiết kế (NTK) trẻ”: từ bóng bay, nón lá, đến trái banh, khung, gọng kim loại, những thứ mà chẳng ai đủ can đảm để gọi nó là quần áo.
Thực tại ảm đạm của những NTK từng được vinh danh
Xét trong những nhân vật bước lên bục nhận giải của Vietnam Collection Grand Prix thì đến giờ chưa ai đủ tự tin nếu xét về thương hiệu độc lập, chưa một nhãn hiệu thiết kế nào đủ sức nặng để đứng trên thị trường thời trang nước nhà. Những Vũ Việt Hà, Quang Huy, Tấn Phát, Minh Châu, Thiên Toàn, Trọng Nguyên,… chưa ai tạo được một dấu ấn mạnh mẽ với người tiêu dùng. Đấy là chưa kể tới ước vọng hội nhập.
Xét đến yếu tố hội nhập, chúng ta vinh dự có mặt trong nhiều Tuần lễ thời trang tại Đức, Singapore… nhưng thử nghĩ xem, các NTK Việt Nam đứng ở đâu khi mà chỉ so sánh ngay với bạn bè trong khu vực, những hàng xóm "làng nhàng" như Thái Lan, Trung Quốc thì ta cũng lép vế.
Ra về sau mỗi kì khua gõ mõ thớt trên sàn diễn xứ người, các NTK Việt Nam đều công nhận sự chuyên nghiệp của bạn bè thế giới và ngậm ngùi cho chính mình với tinh thần học hỏi, giao lưu.
Cũng may mắn, chúng ta vớt vát lại được áo dài truyền thống, thôi thì vin vào cớ là trang phục dân tộc thì dễ "ăn điểm" trong mắt bạn bè khu vực. Bất cứ khi nào bước ra thế giới, áo dài vẫn là "phương án an toàn" của các NTK Việt Nam đang giương cao khẩu hiệu “hội nhập".
Nhưng trên thực tế, chính bản thân sự cách điệu non tay của nhiều NTK Việt Nam lại đem tới cho bạn bè thế giới một cái nhìn hoàn toàn sai lệch về áo dài Việt.
Nếu chưa thực sự tìm ra lối thoát cho chính bản thân mình, làm cách nào để Vietnam Collection Grand Prix đi đúng với mục tiêu đặt ra ban đầu? Ý tưởng thì hay ho, nhưng nhìn vào thực tế, có ai dám hài lòng về chất lượng mỗi bộ sưu tập đoạt giải, về tương lai của những thiết kế khi bước lên bục nhận giải thưởng.
Dư luận liệu có tỉnh táo nhận ra được chất lượng thực sự của cuộc thi hay cứ mãi tự phong cho nó là cuộc thi uy tín nhất cho giới thiết kế? Câu trả lời xin nhường cho Viện trưởng Viện mẫu danh tiếng, cho những nhà chuyên môn, cho những ai trót “thổi” cho nó những giá trị ảo là thương hiệu mạnh, là sức bật của những tài năng thiết kế trẻ.