Lựa chọn chất liệu vải phù hợp với từng loại trang phục và dáng người sẽ giúp tôn thêm vẻ thanh lịch của bạn.
"Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân", ngoài mỹ phẩm, quần áo cũng là một trong những "phép màu" có thể "hô biến" một cô Lọ Lem thành một nàng công chúa. Dĩ nhiên, phép màu ấy chỉ phát huy công dụng khi nó được kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng và chất liệu.
Hãy tìm hiểu về từng chất liệu vải để bạn có thể chọn cho mình một bộ cánh hoàn hảo nhất.
Lụa
Là chất liệu tự nhiên lấy từ kén của loài tằm, tạo cảm giác thoải mái khi mặc.
Trang phục may từ lụa thích hợp với thời tiết nắng nóng cũng như lạnh. Lý do là chất liệu này có tính năng thấm hút mồ hôi tốt trong mùa nóng và giữ nhiệt tốt vào mùa lạnh.
Với độ bóng, mềm, lụa còn giúp tôn thêm vẻ sang trọng và quý phái cho người mặc. Lụa dùng để may các trang phục như áo cưới, đồ lót, váy, sơmi, pi-gia-ma, đầm, áo choàng...
Vải lanh
Cũng là một chất liệu tự nhiên, khá phổ biến trong may mặc, thường gặp trong những trang phục sinh hoạt thường ngày.
Đặc tính nổi bật của lanh là nhẹ, bền, hút mồ hôi tốt nên dùng để may các trang phục mặc vào mùa hè vì nó tạo cảm giác mát mẻ, thoải mái cho người mặc. Ngoài ra, lanh còn đem lại vẻ thanh lịch, nữ tính cho các kiểu váy, đầm. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là dễ nhăn vì độ đàn hồi không cao.
Len
Đây là chất liệu làm từ lông động vật như cừu, lạc đà không bướu, dê... Đặc điểm nổi bật của len là khả năng giữ ẩm, không nhăn và hút ẩm tốt. Len được dùng nhiều cho các trang phục như áo khoác, áo len, váy len...
Voan
Do đặc tính mềm, mỏng, mát, nhẹ, voan thích hợp để may các loại đầm và áo kiểu. Những người có vóc dáng đẫy đà nên hạn chế mặc voan vì chất liệu này có độ rủ cao, sẽ làm "tròn" người hơn. Bạn cũng không nên chọn voan để may những trang phục quá ôm vì vải voan rất khó giữ dáng trang phục. Tốt nhất nên tận dụng độ suôn đổ của voan để tạo các nếp bèo, nhún, phòng cho những chiếc áo kiểu nữ tính nếu bạn có dáng người gầy. Với trang phục có kiểu rườm rà, bạn không nên chọn loại voan nhún với hoa văn to.
Cotton
Là chất liệu may mặc phổ biến nhất hiện nay. Chất liệu này có thể được đan, dệt với độ dày, mịn, trọng lượng khác nhau nên có thể sử dụng để may hầu hết các loại trang phục. Cotton là chất liệu được ưa chuộng nhất vì phù hợp với mọi dáng người, thời tiết và mang lại sự thoải mái cho người mặc.
Chiffon
Cũng là chất liệu mỏng, nhẹ được rất nhiều nhà thiết kế ưa chuộng. Ngoài chất liệu chiffon làm từ polyester, còn lại các chất liệu vải chiffon khác đều rất dễ nhuộm màu. Chiffon thường được dùng để may các loại đầm dự tiệc vì nó tạo cho bạn một dáng vẻ thanh lịch, quý phái. Ngoài ra, chiffon còn là chất liệu khá phổ biến để may các dạng áo cánh, khăn, đồ lót. Chiffon khá "nhạy cảm" với các chất tẩy rửa mạnh, chỉ nên giặt tay với dầu gội đầu.
Kaki
Có độ cứng và dày hơn so với các chất liệu khác nên thường dùng để may quần, đồ công sở. Kaki có hai loại chính: có thun và không thun. Tùy theo kiểu dáng của trang phục mà bạn chọn loại phù hợp. Nếu bạn có đôi chân hơi thô nên chọn loại kaki không thun để may xếp li tạo cảm giác đôi chân thanh thoát hơn. Với váy công sở, bạn nên chọn chất liệu kaki thun để khi mặc dễ vận động.
Theo nhà thiết kế Ngô Thái Uyên, trên thực tế, việc chọn vải theo dáng người không quá phụ thuộc vào chất liệu. Đó là sự chọn lựa và kết hợp hài hòa giữa màu sắc và kiểu dáng trang phục.
Bạn biết chưa?
Khi mặc trang phục chất liệu len, bạn không nên là, tốt nhất đem hấp hoặc giặt tay để không làm hỏng chất liệu vải và hư dáng trang phục.
Nếu bị dị ứng với chất liệu len tổng hợp, bạn nên chú ý chọn chất liệu len tự nhiên cho trang phục.
Giặt vải lanh: Bạn nên xử lý vết bẩn trước khi giặt trang phục bằng vải lanh. Bạn có thể giặt máy với chế độ nước dưới 50 độ C để giữ màu cho vải. Không phơi vải lanh trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hay làm khô bằng máy sấy quần áo để tránh việc vải bị rút lại.
Đối với chất liệu lụa mềm, dễ nhàu, khi giặt không nên vò hay vắt quá mạnh tay, là khi còn ấm, sẽ giữ cho lụa được bóng đẹp, bền màu lâu hơn.